Quản trị tài chính cá nhân là một phần không thể thiếu để đảm bảo một nguồn thu chi tốt. Trong đó, việc quan trọng là học tiết kiệm, với các mục tiêu rõ ràng


Như đã hứa hẹn ở Phần 4, Phần 5 đề cập và hướng dẫn tập trung vào việc làm thế nào để bạn buộc phải tiết kiệm. Dĩ nhiên như đã nói, phần này nghiêng về quản trị tài chính cá nhân nên có nhiều điểm bàn luận.

Khi chúng ta buộc phải tiết kiệm

Thường người ta hay thích nói ra nói vô những điều mình không ưng, không thích hay không hợp con mắt của mình. Đặc biệt là liên quan đến chuyện tiền bạc.

Người thích tiêu xài thì kêu ông tiết kiệm ngu, có tiền không hưởng mốt chết ai xài. Người thích tiết kiệm giãy nảy kêu ông thích tiêu xài là hoang phí, xài hết tiền, rồi đoạn sau làm sao? Lấy gì mua nhà, lấy gì cho con cho cái đi học?

Nói chung ở đây một khi đã bàn luận, chúng ta buộc phải đứng trên cùng quan điểm. Và đề bài đưa ra ở đây là, tôi không thích tiết kiệm. Tôi buộc phải tiết kiệm để tôi có thể mua được nhà. Và sau khi suy xét, tôi cảm thấy tôi có thể tiết kiệm được, có thể hy sinh một chút yêu thích cá nhân vì tôi thích cái nhà hơn. Xong, như vậy đã có đề bài, dễ hiểu. Còn chuyện bạn thích tiêu mà không thích nhà cũng được, miễn bạn hạnh phúc với điều đó nên chúng ta sẽ không bàn ở đây

Theo chuỗi bài viết này, tuổi 25-28 là thời điểm bắt đầu mục tiêu đu cho được 30% để mua nhà, nói ở đây là 600 triệu. Tiền có thể chuyển từ tài khoản ba mẹ bạn đến với bạn. Hoặc có chút họ hàng, bạn bè cho vay thì quá tốt luôn. 600 triệu đối với các bạn sinh ra ở vạch đích thì dễ ẹt, một tin nhắn tin tin là hoàn thành mục tiêu. Nhưng đối với các bạn phải tự thân vận động, trong trường hợp này bạn chỉ còn cách tiết kiệm tích lũy.

Xác định mục tiêu tiết kiệm

Bạn muốn tiết kiệm được, câu hỏi đầu tiên không phải là tiền đâu. Mà là mục tiêu tiết kiệm là gì?  Nếu nói là tiết kiệm để mua nhà thì hãy tự cho mình được tưởng tượng đến cái cảm giác nó “đã” ra sao khi tên mình đứng trên sổ hồng, mặt mình vênh vênh tự hào ra sao khi khoe với mọi người là mình đã tự có được nhà ở cái tuổi trước 30? Lại càng đã hơn nữa khi bạn trai bạn gái nhìn mình ánh mắt đầy ngưỡng mộ, vợ mình chồng mình cưới về ở nhà mới luôn, không phải đi thuê đi trọ. Con mình sinh ra cũng sống đàng hoàng trong căn nhà của mình. Bởi mới nói, có  nhà riêng thật tuyệt!

Đặt mục tiêu mua nhà một cách rõ ràng để có thể tiết kiệm được (Nguồn: Internet)

Đó là nói về cái đầu óc  tưởng tượng bay bổng của các bạn. Tiếp theo hãy vạch ra một kế hoạch rõ ràng. Giấy bút ra, tiết kiệm bao nhiêu tiền? Nếu bạn 600 triệu, Giờ có trong tay 200 triệu hén. Vậy còn 400 triệu, trong 3 năm. Mỗi năm 133 triệu. Mỗi tháng 11 triệu. Cái này làm được. Khả  năng chịu đựng được nha! Có vậy bạn mới chịu cày, có vậy bạn mới chịu bóp chắt lại. Hãy đưa ra cho mình một mục tiêu rõ ràng, đó chính là động lực để bạn tiết kiệm được. Để từ đó, mỗi lần mua thêm cái quần cái áo mới phúng phính, nhắm mắt nghĩ tới nhà trong mơ của mình thì sẽ để lại thôi không mua. Phải vậy mới tiết kiệm được.

Lại bàn về cách đưa mục tiêu, thường người ta hay khuyến khích mục tiêu đưa ra phải bám sát thực tế và có khả năng làm được. Mình hoàn toàn đồng ý việc này. Nếu thu nhập bạn giờ có 15 triệu thôi, mà muốn tiết kiệm đến 11 triệu, cái này có sát thực tế không? Câu trả thời không biết nha! Dữ liệu ít quá mình không trả lời được. Nếu mục tiêu của bạn cương quyết không thay đổi, vẫn 11 triệu, thì bạn phải tiết kiệm lại. Nghĩa là không tăng thu, giảm chi. Nếu bạn vẫn muốn chi nhiều thì tăng thu tăng chi nghĩa là cày thêm công việc khác, tăng thu nhập lên xài cho đã. Cơ bản liên quan đến chuyện tiền bạc, mình vẫn nghĩ nếu cố sẽ có cách.

Nói đến tiết kiệm, sự cám dỗ là cái khó vượt qua bậc nhất trong cuộc sống này. Người phàm mắt thịt như mình đây thì thấy cái gì mà không thích. Bởi chúng ta yêu thích nhiều thứ, các nhà sản xuất mới sản xuất ra để dụ chúng ta mua, mình mua rồi họ mới có tiền, xã hội mới phát triển đúng không nào! Cái đó gọi là nền kinh tế tiêu dùng, là cái bẫy của nhà sản xuất và cái cớ của chính chúng ta. Tiền bạc rủng rỉnh dễ vung tay quá trán lắm. Mình mua nhiều cái mình không cần dùng, đâm ra lại lãng phí. Mua xong vứt đó có dùng đến đâu. Hỏi thật, có bao nhiêu bạn biết hàng tháng mình xài bao nhiêu tiền, cho việc gì, và trong số đó có bao nhiêu việc vô nghĩa và có thể cắt giảm được. Các bạn biết không?

Chia tài khoản làm các khoản nhỏ để học cách tiết kiệm (nguồn: Internet)

Câu hỏi ở trên không phải để hỏi chơi. Thực tế để tiết kiệm được, trước hết các bạn phải nhận diện ra được vấn đề ở đâu, khoản nào chi tiêu bắt buộc và khoản nào là có thể cắt giảm được. Hồi tuổi 25, 26, Mr. Đức từng có thống kê chi tiêu, và hàng tháng tổng hợp lại thì hơn phân nửa là chi không biết để làm gì, đôi khi không nhớ là đã chi. Bởi vậy cái gì cũng phải viết ra, xịn thì sử dụng phần mềm trả phí, không thì chơi phần mềm miễn phí như Misa để ghi lại chi tiêu. Hoặc đơn giản hơn chút thì dùng phần mềm Excel, ghi sổ. Chung quy lại, cứ viết ra, sẽ ra vấn đề, bạn đừng tin vào trí nhớ của mình quá, gặp đồ đẹp, đồ ngon là trí nhớ mình cũng quên sạch.

Một khi đã ghi nhận 1-2 tháng thử nghiệm, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy mức chi nào phù hợp mức chi nào không?

Thông thường, những khoản chi phí cố định như: điện nước, xăng xe, nhà cửa, ăn uống là các chi phí cơ bản. Nhưng trong cái cơ bản đó, cũng có những cái cắt giảm được. Ví dụ như: Nhà bạn đang ở có rộng quá không? Tối ưu hết không gian chưa? Điện nước sử dụng có bị lố không? Thức ăn, thức uống mua có  bị dư thừa không.

Thử áp dụng phương pháp sống cơ bản của người Nhật trong một thời gian, các bạn cũng học được nhiều cách tiết kiệm để giảm bớt những điểm thừa. Ngoài ra, đối với các chi tiêu cá nhân và mối quan hệ là điểm có thể cắt giảm  nhiều nhất. Người ta thường mua sắm bừa bãi và gặp gỡ vô tội vạ nên cần soát lại các khoản này.

Nói về tỷ lệ tiết kiệm bao nhiêu là đủ, lại có rất nhiều thông tin về việc này. Con số 15-25% là được các học giả khuyến cáo. Tuy nhiên, lại ứng biến với từng người. Trong điều kiện bình thường bạn cần kế hoạch nới lỏng hơn. Trong điều kiện bạn đang cần tăng tốc về đích thì khắt khe hơn, ráo riết hơn. Ví dụ như với thu nhập 20 triệu, muốn tiết kiệm 11 triệu bạn phải tiết kiệm lên đến 55%, một con số khá gắt và đòi hỏi bạn phải nhịn chi tiêu khắt khe trong khoản 8 triệu bao gồm nhà cửa, điện nước, và mối quan hệ. Nhưng con số 8 triệu/1 tháng không phải là quá nhỏ để chi  tiêu và hoàn toàn có thể làm được.

Câu chuyện tiết kiệm nó là như thế, một khi có mục tiêu rõ ràng và cố gắng thì bạn cũng lần lượt làm được thôi. Một điều vô cùng quan trọng trong việc đặt và thực hiện mục tiêu cũng nên cho mình một kế hoạch xem trong bao nhiêu năm thì hoàn thành, chứ bắt bản thân tiết kiệm mãi như vậy, âu cũng tội cho cái thân mình.

Nhưng một khi tiết kiệm được tiền, một con số đủ lớn. Thời điểm mua nhà cũng trở thành một điểm cần lưu ý. Theo dõi phần 6 để xác định chính xác đâu là điểm mua nhà hợp lý.

Cách mua nhà thành phố cho giới trẻ – Phần 6: Thời điểm mua nhà

Tác giả: Duc Le

Hotline: 1900 633804

Website: https://remaps.vn/

Email: hotro@remaps.vn

Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/remaps.vn

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/533671267519885

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCBB0XnDfh9aDb4fA4Bv5fJA/