Điểm khác biệt giữa một người có thu nhập thấp hơn nhưng lại có khả năng mua nhà chung cư với người có thu nhập năm chữ số nhưng vẫn nợ ngập đầu là gì? Đó chính là khả năng giữ tiền!


Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng tiền lương của mình đã đi đâu hết để lại một tài khoản gần như cạn kiệt vào cuối tháng? Điểm khác biệt giữa một người có thu nhập thấp hơn nhưng lại có khả năng mua nhà chung cư với người có thu nhập năm chữ số nhưng vẫn nợ ngập đầu là gì? Đó chính là khả năng giữ tiền! Để có một cơ sở vững chắc cho những quyết định liên quan đến tài chính của mình thì Remaps xin được chia sẻ với bạn 3 loại báo cáo tài chính mà bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng có.

3 loại báo cáo tài chính mà ai cũng nên đọc được (nguồn: internet)

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Nếu Doanh thu lớn hơn chi phí thì công ty lời, còn ngược lại thì sẽ lỗ, đó là tại sao Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh còn được gọi ngắn gọn là báo cáo lãi lỗ hay báo cáo lợi nhuận. Tôi sẽ lấy bạn mình để làm ví dụ, anh ta có công việc ổn định lương 12 triệu/tháng, vì chưa có nhà nên anh ta thuê nhà mất 2 triệu/tháng, tiền ăn uống, đi lại, giao tế… gom chung là chi phí sinh hoạt hàng tháng của anh ấy thêm 5 triệu nữa. Báo cáo lãi lỗ trong tháng của anh bạn tôi sẽ được ghi nhận như sau:

  • DOANH THU: 12 triệu (giả sử anh ấy chỉ có mỗi thu nhập từ lương)
  • CHI PHÍ [Tiền thuê nhà: 2 triệu + Tiền sinh hoạt: 5 triệu]: 7 triệu
  • LỢI NHUẬN CHO HOẠT ĐỘNG ĐI LÀM = DOANH THU – CHI PHÍ = 12 triệu – 7 triệu = 5 triệu.

Báo cáo lãi lỗ của doanh nghiệp thì phức tạp hơn một chút vì có các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nữa.

Kết quả hoạt động kinh doanh còn được hiểu là lợi nhuận của doanh nghiệp tốt thì lãi, xấu thì lỗ (nguồn: internet)

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Tiền Cuối kỳ = Tiền Đầu kỳ + Tiền Tăng Trong kỳ – Tiền Giảm Trong kỳ

Tiền của bạn có nguồn gốc từ đâu và được xài vào những việc gì, báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ cho bạn biết. Từ đó bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về bức tranh tổng thể về dòng tiền của mình. Cụ thể hơn là báo cáo này sẽ báo cáo về dòng tiền liên quan đến 3 hoạt động chính của một công ty, đó là hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư. Hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra doanh thu và chi phí, đồng nghĩa với việc đây là hoạt động tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó tạo ra dòng tiền từ chủ sở hữu và chủ nợ, cung cấp tiền cho các hoạt động tài chính. Đây là các hoạt động liên quan đến mua và bán tài sản dài hạn được sử dụng trong hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như mua nhà, văn phòng, mua phương tiện vận tải, v.v. Sau đó tiền sẽ được sử dụng cho các hoạt động đầu tư như vay, trả nợ cho chủ nợ; phát hành cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, chia cổ tức, v.v. Các tài sản dài hạn này sẽ được dùng trong các hoạt động kinh doanh và ngược lại hoạt động kinh doanh cũng cung cấp dòng tiền cho hoạt động đầu tư.

Trở lại câu chuyện ở trên, vì mượn tôi 20 triệu để mua điện thoại Iphone X nên anh bạn tôi hứa mỗi tháng sẽ dành ra 4.5 triệu trả tôi, trả trong vòng 5 tháng. Tại sao lại thế? Đơn giản tại vì tôi cho vay lấy lãi 500 ngàn/tháng. Cuối tháng 9/2017 anh ấy có 5 triệu tiền mặt, có nghĩa là đầu tháng 10/2017 anh ta sẽ có 5 triệu. Trong tháng 10, anh ấy lĩnh lương thêm 12 triệu, nhưng phải chi ra 7 triệu tiền thuê nhà và sinh hoạt phí, vậy là đến cuối tháng 10 anh ấy có 10 triệu tiền mặt? Không phải, vì anh ấy phải trả cho tôi 4.5 triệu tiền nợ, nên anh ấy còn 5.5 triệu tiền mặt trước khi bước sang tháng 11. Lúc này báo cáo lưu chuyển tiền tệ của bạn tôi sẽ nhìn như sau:

  • ĐẦU KỲ = 5 triệu (từ tháng trước)
  • TĂNG TRONG KỲ/Dòng tiền từ hoạt động “kinh doanh” = 12 triệu [tiền lương]
  • GIẢM TRONG KỲ/Dòng tiền từ hoạt động “đầu tư” + hoạt động tài chính = 7 triệu [tiền thuê nhà và tiền sinh hoạt] + 4.5 triệu [trả nợ] = 11.5 triệu
  • SỐ DƯ CUỐI KỲ= ĐẦU KỲ + TĂNG TRONG KỲ – GIẢM TRONG KỲ = 5 triệu + 12 triệu – 11.5 triệu = 5.5 triệu
Hoạt động kinh doanh, tài chính và đầu tư là ba hoạt động chính của báo cáo lưu chuyển tiền tệ (nguồn: internet)

Bảng cân đối kế toán:

Cái tên nói lên tất cả, điều quan trọng nhất chính là sự cân đối của 2 vế phương trình:

Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Trong mục Tài sản và Nợ phải trả sẽ chia ra dài hạn và ngắn hạn, còn trong Vốn chủ sở hữu sẽ chia ra Vốn đầu tư của chủ sở hữu và Lợi nhuận giữ lại (lấy từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh). Đầu hay cuối mỗi kỳ, ta sẽ có bảng cân đối kế toán, nhưng trong xuyên suốt kỳ kế toán thì báo cáo lãi lỗ và báo cáo lưu chuyển tiền sẽ được ghi nhận.

Cuối tháng 9, chúng ta đã làm 1 bảng “kiểm tra sức khoẻ tài chính” của anh bạn tôi và kết quả cho ra như sau:

  • TÀI SẢN [Tiền mặt: 5 triệu + Tài sản cố định: 103 triệu] = NGUỒN VỐN [Vốn chủ sở hữu: 88 triệu + Nợ: 20 triệu]

Vậy đến cuối tháng 10, bảng “kiểm tra sức khoẻ tài chính” của bạn tôi sẽ thế nào?

  • TÀI SẢN: [Tiền mặt: 5.5 triệu + Tài sản cố định: 103 triệu] = 108.5 triệu.
  • NGUỒN VỐN: [Vốn chủ sở hữu: X đồng + Nợ: 16 triệu] (Vì đã trả tôi 4.5 triệu tiền nợ trong đó tiền gốc là  4 triệu, tiền lãi là 500 nghìn, do đó nợ của anh ta giảm từ 20 triệu xuống còn 16 triệu).
  • Theo quy tắc TÀI SẢN = NGUỒN VỐN, do đó thời điểm cuối tháng 10, Vốn chủ sở hữu của bạn tôi là 92.5 triệu.

Ta thấy được điều gì ở đây? Sau 1 tháng, tài sản của bạn tôi chỉ tăng thêm 500 nghìn (từ 108 triệu lên 108.5 triệu), nhưng Vốn chủ sở hữu của bạn tôi lại tăng thêm 4.5 triệu (từ 88 triệu lên 92.5 triệu). Vốn chủ sở hữu tăng thêm chính bằng lợi nhuận bạn tôi kiếm được trong tháng 10.

(*): Có bạn sẽ thắc mắc tại sao LỢI NHUẬN ở trên tính là 5 triệu, mà sao LỢI NHUẬN dưới này tính còn 4.5 triệu, ấy là vì phát sinh thêm 500k tiền lãi cho khoản vay 20 triệu mà bạn tôi vay tôi để mua Iphone X.

Đa số mọi người tập trung vào tiền mặt nhưng vốn chủ sở hữu mới nói lên bạn giàu cỡ nào (nguồn: internet)

Như vậy, để tăng hoặc giảm tài sản thì có thể dùng cách vay nợ thêm hoặc trả nợ bớt, nhưng để tăng vốn chủ sở hữu thì chỉ có cách là kiếm ra lợi nhuận. Tiền mặt nhiều trong túi, tài sản nhiều đều không cho thấy bạn giàu cỡ nào, chỉ có vốn chủ sở hữu mới nói lên bạn giàu cỡ nào. Đa số mọi người chỉ nhìn vào tiền mặt trong ví hay trong tài khoản và tài sản bạn sở hữu để đánh giá bạn. Nợ quá nhiều thì không tốt, nhưng không nợ cũng chưa chắc tốt. Tài sản về bản chất cũng có thể tự sinh ra tiền được vì thế, cách khôn ngoan là phải quản lý tiền sao cho không để bị kẹt tiền mặt, cân đối được tỉ lệ giữa vốn chủ sở hữu và nợ để có được một lượng tài sản chấp nhận được.

Tác giả: Duc Le

Hotline: 1900 633804

Website: https://remaps.vn/

Email: hotro@remaps.vn

Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/remaps.vn

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/533671267519885

You tube: https://www.youtube.com/channel/UCBB0XnDfh9aDb4fA4Bv5fJA/